shadow

Sẽ có một lúc nào đó bạn thấy mình đơn độc ở một đất nước xa lạ mà lại không nói ngôn ngữ của quốc gia đó, và một số bí kíp dưới đây sẽ giúp bạn  “sống sót” qua những khoảnh khắc đó.

Đừng học thuộc lòng

Bạn không nên học thuộc lòng một câu nói nào đó một cách máy móc, vì tình huống có thể sẽ thay đổi không như dự tính. Để có thể đáp trả một cách linh hoạt, bạn có thể “vin” vào các từ khoá chính.

Dùng vốn từ vựng sẵn có

Hãy thật đơn giản! Đừng cố gắng tìm những từ vựng quá khó, quá chuyên sâu hay các câu cú quá “cồng kềnh” về ngữ pháp. Nếu không biết dùng từ nối cho những câu ghép, bạn hãy chỉ dùng những câu đơn và tách chúng bằng các dấu câu.

Thực hành mỗi ngày

Nếu được, hãy nghĩ ra những phương án trả lời có thể sẽ xuất hiện và luyện tập hội thoại với một người bản xứ nào đó – ví dụ một đoạn thoại khi đi mua vé tàu, một đoạn phỏng vấn xin việc…

Khi phát âm, bạn có thể đọc to lên để mọi người sửa phát âm đúng cách.

Luôn lăm lăm một quyển sổ tay bên mình

Khi trò chuyện với ai đó, nếu gặp từ bí hoặc khó nghe, bạn chỉ cần viết từ đó vào sổ để hai bên dễ hiểu nhau hơn. Khi có thời gian, việc tập viết các từ vựng, câu văn cũng sẽ rất tốt cho việc học ngoại ngữ.

Đừng bận tâm quá nhiều về ngữ pháp (hoặc giọng nói)

Vì chưa thạo nên có lẽ bạn sẽ luôn phạm lỗi ngữ pháp, hoặc có giọng nói lơ lớ. Không sao cả, điều này chính là một phần của việc nói tiếng nước ngoài. Mục đích của bạn bây giờ là làm sao để hiểu người khác và nói sao cho người khác hiểu. Chuyện nói đúng, nói hay chỉ có thể tốt lên theo thời gian và thực hành.

Đừng đánh mất cá tính của mình

Đừng quá bận tâm đến việc nói thế nào cho đúng từ, đúng ngữ pháp, đúng cách phát âm mà quên mất cá tính của mình. Hãy cứ hài hước khi có thể và tự nhiên như bạn nói tiếng mẹ đẻ – bởi vì đó là lúc bạn sẽ sử dụng từ ngữ một cách khéo léo và lôi cuốn nhất.

Đừng ngừng nói

Dù bạn đang lo sợ và ngồi cạnh một kẻ nói tốt hơn mình cả chục lần thì cũng đừng ngừng nói! Cách tốt nhất để tốt hơn lên là luôn luôn cố gắng, luôn luôn phạm lỗi và luôn luôn có một thái độ tích cực với việc học hỏi.

Tập sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Nếu ngoại ngữ của bạn chưa tốt thì tại sao không dùng “vốn tự có” là cơ thể của mình! Đôi khi, chỉ cần một nụ cười, một cái vẫy tay hay một cái gật đầu là đã có thể chuyển tải thông điệp của bạn rồi.

Hãy vui vẻ nhìn nhận lỗi sai

Việc vui vẻ nhận sai sẽ giúp bạn dễ thấy lỗ hổng của mình hơn, và quan trọng là khiến người khác có cái nhìn tích cực hơn về bạn. Chẳng ai thích nói chuyện với một người cứng đầu và thiếu cố gắng sửa sai phải không?

                                                                                                                                Nguồn: Gooverseas (tạm dịch)

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.