
Tết Đoan Ngọ, hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, Tết Ngũ Nguyệt,v.v.. là một trong bốn ngày lễ lớn của Trung Quốc. Đây là một lễ hội văn hóa truyền thống phổ biến ở Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.
Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ phong tục kỷ niệm nhà thơ yêu nước nổi tiếng Trung Quốc, Khuất Nguyên. Truyền thuyết kể rằng nhà thơ Khuất Nguyên, một quý tộc nước Sở chuyên bày mưu hiến kế cho vua nhưng chủ trương của ông lại vấp phải sự phản đối của một số quan lại bảo thủ. Những vị quan đó thường nói những điều không đúng về Khuất Nguyên trước mặt vua nước Sở, khiến cho nhà vua dần trở nên chán ghét ông. Với một nhà thơ luôn một lòng vì nước vì dân lại bị chính nhà vua nghi ngờ khiến ông vô cùng căm phẫn mà viết lên những áng thơ bất hủ, bày tỏ hoài bão vì nước vì dân của mình.
Khuất Nguyên sau đó đã bị đày đến khu vực sông Mịch La tỉnh Hồ Nam hiện nay. Không lâu sau, Khuất Nguyên được biết tin đô thành nước Sở bị quân đội nước Tần đánh chiếm và tiêu diệt, ông vô cùng căm phẫn, cuối cùng nhảy sông Mịch La tự tử. Hôm đó là mồng 5 tháng 5 năm 278 trước công nguyên.
Sau khi biết tin Khuất Nguyên tự tử, người dân địa phương tới tấp chèo thuyền đi vớt Khuất Nguyên. Người dân không vớt được xác Khuất Nguyên, bèn thả ống tre trong có gạo xuống sông, họ nghĩ rằng làm như vậy cá sẽ không ăn xác Khuất Nguyên; còn có người rót rượu hùng hoàng xuống sông để xua đuổi cá, bảo vệ xác của ông.
Từ đó, cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, người dân lại chèo thuyền trên sông và thả ống tre có gạo bên trong xuống nước, như một cách để tế lễ và cầu phúc cho Khuất Nguyên. Dần dần, thay vì thả ống tre có gạo, người ta lại dùng lá để gói một lại bánh có hình tam giác, hay còn gọi là bánh ú. Bên cạnh tục ăn bánh ú vào ngày tết Đoan Ngọ, người Trung Quốc còn có các hoạt động khác không kém phần thú vị như đua thuyền rồng, treo các loại lá thơm hay uống rượu, đeo túi thơm. Dù cho diện tích rộng lớn khiến cho mỗi vùng có những nét điểm trong văn hóa độc đáo, nhưng tục đua thuyền hay ăn bánh ú, uống rượu,v.v.. lại là những hoạt động không thể thiếu dù ở bất cứ vùng miền nào của Trung Quốc.
Những năm qua, Chính phủ Trung Quốc tăng cường bảo vệ văn hóa lễ tết truyền thống, các ngày tết truyền thống như Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ v.v. đều được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc, và trở thành ngày nghỉ của dân chúng.
Đua thuyền rồng
Từ xa xưa, Trung Quốc đã sử dụng rồng là vật tổ, chính vì vậy mà người ta có tục xăm mình hình rồng khi xuống nước và bên cạnh đó chính là tổ chức lễ hội thuyền rồng hàng năm. Đua thuyền rồng là một trong số những hoạt động quan trọng trong ngày Tết Đoan Ngọ tại Trung Quốc.
Đua thuyền rồng có lịch sử lâu đời và là cuộc thi chèo thuyền với nhiều người trong một đội, như một cách thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết gánh vác của cả một tập thể. Trước khi đua thuyền rồng, người ta thường làm lễ để tế rồng và thần linh. Trước ngày đua thuyền diễn ra, người ta sẽ chọn ngày lành tháng tốt, cúng tế thần linh và cài đầu rồng, đuôi rồng rồi chuẩn bị cho cuộc đua.
Treo cây ngải cứu và cây thạch xương bồ
Việc treo các loại cây và hoa theo quan niệm có thể xua đuổi những thứ không tốt và có tác dụng chữa bệnh từ lâu đã trở thành một truyền thống của người dân Trung Quốc, đặc biệt là vào ngày Tết Đoan Ngọ. Một trong những loại cây thường thấy chính là cây ngải cứu và cây thạch xương bồ. Theo quan niệm dân gian thì việc treo ngải cứu trên cửa có tác dụng phòng bệnh bởi ngải cứu là vị thuốc quan trọng trong đông y. Bên cạnh việc có tác dụng trị bệnh thì ngải cứu còn có khả năng xua đuổi các loài côn trùng, nhất là trong thời tiết tháng 5 âm lịch, khi thời tiết trở nên ẩm ướt khiến các loài côn trùng sinh sôi nảy nở càng nhanh chóng.
Còn trong thạch xương bồ lại chứa một loại tinh dầu có tác dụng hóa thấp, hòa vị, ninh thần, khai khiếu, tuyên khí, tẩy uế, trục đờm. Ngoài ra còn giúp điều trị các chứng suy nhược thần kinh, phong tê thấp, trẻ em bị nóng sốt, ăn không ngon, tiêu hoá kém, khó thở, ù tai….
Ăn bánh ú
Bánh ú, hay còn gọi là bánh nếp, nguyên liệu chính là gạo nếp và nhân được gói bằng lá chuối hoặc lá rong. Từ xa xưa, loại bánh này được sử dụng để tôn vinh tổ tiên và các vị thần. Do đặc điểm vị trí và khí hậu, mà món bánh này ở miền Nam và miền Bắc Trung Quốc sẽ có hương vị không giống nhau. Phong tục ăn bánh ú trong Tết Đoan Ngọ đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc từ hàng nghìn năm nay, trở thành một trong những phong tục ăn uống dân gian có ảnh hưởng rộng rãi nhất của Trung Quốc và lan sang quốc gia Châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam,v.v..
Thả diều giấy
Diều giấy là một loại diều đơn giản sử dụng sức mạnh khí động học. Diều giấy được làm bằng cách dán giấy hoặc lụa lên khung xương như dải tre, kéo sợi dây dài buộc vào đó và tận dụng sức gió để khiến nó bay lên.
Tắm bằng nước thảo mộc
Theo tư liệu ghi trong sách cổ, dùng nước thảo mộc tắm rửa, nhất là vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, có thể giúp người chữa các bệnh ngoài da và xua đuổi những thứ không sạch sẽ. Vào thời điểm ngày 5 tháng 5 âm lịch – Tết Đoan Ngọ, là ngày mà các loại thảo mộc và lá thuốc phát triển dược tính mạnh nhất, vì vậy rất nhiều nơi tại Trung Quốc có tục lệ hái lá thuốc và đun lên để tắm. Phong tục này vẫn tồn tại cho đến ngày nay và được phổ biến rộng rãi. Ở Quảng Đông, người dân thường dùng thảo dược đắng hoặc các loại hoa, cây cỏ như ngải cứu, pơ mu, cẩu tích, mộc lan trắng đun nước tắm cho trẻ em, còn thanh thiếu niên và nam giới trưởng thành ra sông, biển để tắm, gọi là tắm nước thuyền rồng, như một cách để gột rửa những điều không hay và mang lại may mắn.
Dùng tơ lụa ngũ sắc làm vật lấy may
Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, năm màu “xanh, đỏ, trắng, đen và vàng” tượng trưng cho năm phương và ngũ hành, sự kết hợp của chúng được coi là tốt lành và mang lại may mắn cho mọi người.
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều nơi sẽ sử dụng sợi tơ ngũ sắc để buộc vào tay, đây từng là một hoạt động rất phổ biến. Dần dần theo thời gian, nó đã phát triển thành nhiều loại đồ trang trí đẹp như dây trường sinh, khóa trường sinh, túi trường sinh, … và hình thức ngày một đẹp mắt và tinh sảo hơn.
Thờ cúng thần linh và tổ tiên
Thờ cúng thần linh và tổ tiên là một trong những tục lệ quan trọng nhất của Tết Đoan Ngọ, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia châu Á khác. Người phương Đông quan niệm rằng, “Trời đất” là nền tảng của sự sống, “tổ tiên” là nền tảng của con người. Chính vì vậy mà việc thờ cúng tổ tiên là không chỉ đơn thuần là một cách để người ta nhớ về những thế hệ trước mà còn là báo hiếu, cầu phúc và báo đáp công ơn che chở của tổ tiên mình.
Uống rượu hùng hoàng
Rượu hùng hoàng là loại rượu gần như không thể thiếu trong dịp tết Đoan Ngọ. Theo cuốn “Bản thảo Cương Mục”,hùng hoàng là một vị thuốc có thể tiêu diệt sâu bọ và trừ độc. Rượu hùng hoàng được làm bằng cách lên men lúa mạch cùng hùng hoàng. Người ta ngâm rượu rồi dùng rượu xoa lên các góc tường, cửa ra vào, gầm giường,…để diệt trừ sâu độc. Ngoài ra, loại rượu này cũng có thể dùng để xoa lên mặt, tay chân của trẻ em để tránh côn trùng đốt.
Trả lời